KHÓ KHĂN LỚN NHẤT: GIÁO VIÊN DẠY TÍCH HỢP
Ông Nguyễn Xuân Thành,ạytíchhợpThihọcsinhgiỏithivàolớpchuyênthếnàgoogle dich Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các sở GD-ĐT trên cả nước rà soát, báo cáo về tình hình dạy học tích hợp và các hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, hết thời hạn Bộ cũng chỉ nhận được báo cáo của 33/63 sở GD-ĐT.
Tổng hợp báo cáo của 33 sở GD-ĐT, ông Thành nêu ra một loạt khó khăn mà các địa phương đã gặp phải khi dạy học tích hợp, đặc biệt tập trung ở môn khoa học tự nhiên (KHTN). Khó khăn đầu tiên phải kể tới là thiếu giáo viên (GV), cơ cấu GV không đồng đều giữa các phân môn để đảm bảo dạy đúng chuyên môn; một số GV còn thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn tích hợp hoặc không được đào tạo đầy đủ. Một số GV chưa đủ điều kiện, tự tin để dạy các chủ đề trong chương trình môn học; GV chưa được đào tạo, bồi dưỡng dạy học tích hợp nên gặp khó khăn trong việc dạy học.
Đối với các cơ sở giáo dục thiếu GV, rất khó khăn khi bố trí, sắp xếp thời khóa biểu; nếu bố trí dạy song song các mạch kiến thức để ổn định số tiết/tuần cho GV thì các chủ đề có thể bị xáo trộn, không đúng với tinh thần môn học tích hợp bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức logic. Việc tổ chức, đánh giá kết quả học tập của HS gặp khó khăn do chương trình dạy theo chủ đề nên có những phân môn được dạy nửa đầu học kỳ và tổ chức kiểm tra vào cuối kỳ, do đó kiến thức của HS không được liên tục…
Nhiều đại diện lãnh đạo sở GD-ĐT cũng nêu thực trạng thiếu GV khiến địa phương phải xoay xở điều động, biệt phái GV dạy liên trường, dạy thêm giờ… Ông Vũ Đức Thọ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho biết với môn KHTN ở Nam Định có tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ; có trường thừa GV phân môn lý nhưng lại thiếu GV phân môn sinh, hóa hoặc ngược lại… Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng GD-ĐT có thể điều động GV từ xã này sang xã kia, trường nọ sang trường kia. Vừa qua, 182 GV đã được điều động để đảm bảo cơ cấu GV giữa các trường.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Yên Bái, cũng cho biết khó khăn ban đầu là rất lớn do Yên Bái nhiều trường liên cấp, nhiều trường có quy mô nhỏ. Có trường liên cấp chỉ có 4 lớp THCS, chỉ có 1 GV dạy phân môn trong môn tích hợp nên bố trí, sắp xếp thời khóa biểu rất khó khăn. Năm vừa qua Yên Bái cũng phải biệt phái GV từ vùng thấp lên vùng cao, bố trí 222 GV dạy liên trường ở các huyện và trả kinh phí dạy thêm giờ để khắc phục tình trạng thiếu GV… Theo bà Thu, văn bản hướng dẫn mới đây của Bộ đã giúp gỡ bỏ dần được khó khăn, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường không bắt buộc GV dạy tất cả các phân môn trong môn tích hợp như trước mà giao quyền cho nhà trường.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cũng cho rằng dù đã được tập huấn, bồi dưỡng dạy tích hợp nhưng một số GV chưa tự tin khi dạy môn học này. Hướng dẫn của Bộ giúp các trường có thể chủ động thực hiện dạy học tích hợp theo nhiều cách khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, sở GD-ĐT yêu cầu các trường chọn cách tốt nhất.
CHỈ BỐ TRÍ GV DẠY LIÊN MÔN KHI ĐẢM BẢO NĂNG LỰC VÀ TỰ TIN
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh yêu cầu phân công GV dạy môn KHTN phải bảo đảm phù hợp năng lực chuyên môn với nội dung dạy học (theo mạch nội dung lớn của chương trình môn học hoặc theo các chủ đề) được phân công. Khuyến khích phân công GV đã được bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học nhưng phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn và sự tự tin, sẵn sàng của GV để bảo đảm chất lượng dạy học.
Các nhà trường phải bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung lớn của chương trình hoặc các chủ đề trong từng mạch nội dung lớn của chương trình; bảo đảm sự phù hợp với việc phân công GV, xếp thời khóa biểu đáp ứng yêu cầu về tính khoa học (không để xảy ra tình trạng quá tải cho GV), sư phạm (bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau đó) và khả năng thực hiện của GV.
Việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá cũng được Bộ GD-ĐT yêu cầu: GV dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó, mỗi HS ít nhất một lần trong từng học kỳ, riêng nội dung có thời lượng nhiều nhất trong học kỳ được đánh giá ít nhất 2 lần.
SẼ KHÔNG THI ĐƠN MÔN TRONG KỲ THI HS GIỎI, LỚP 10 CHUYÊN
Tại hội nghị tập huấn, các sở GD-ĐT cũng đề nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, chỉ đạo về việc thi HS giỏi, thi vào lớp 10 THPT chuyên với các môn tích hợp. Hiện nay vẫn thi đơn môn nhưng đến năm 2025 HS lớp 9 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới học tích hợp một số môn thì việc tổ chức thi đầu vào lớp 10 trường chuyên thế nào, thi HS giỏi cấp tỉnh với lớp 9 ra sao?…
Năm tới có khoảng 400 sinh viên môn tích hợp ra trường
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: dự kiến năm tới sẽ bổ sung 28.000 biên chế GV cho cả nước. Với môn tích hợp, năm tới sẽ có lứa sinh viên đầu tiên (với khoảng 400 người) được đào tạo dạy học tích hợp ra trường, bổ sung cho đội ngũ dạy môn học mới này.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng các kỳ thi này lâu nay Bộ không hướng dẫn, chỉ đạo mà tự các địa phương quyết định. Do đặc thù của một số môn tích hợp nên Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và có hướng dẫn để các địa phương áp dụng thực hiện từ năm 2025. Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ không thi đơn môn ở cả 2 kỳ thi này vì theo nguyên tắc chương trình học môn gì thì sẽ thi môn đó. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học môn KHTN chứ không phải học môn lý, hóa, sinh; lịch sử và địa lý cũng vậy, do đó các kỳ thi sẽ thi môn tích hợp chứ không thi đơn môn trong môn tích hợp.
Theo ông Thành, việc thi HS giỏi lớp 9 theo môn tích hợp cũng giúp các nhà trường, địa phương đánh giá HS mình có năng lực tổng hợp thế nào, phù hợp với mục tiêu khi thiết kế môn học này.
Tương tự, với việc thi vào lớp 10 THPT chuyên, có thể tuyển HS vào lớp chuyên lý, hóa, sinh riêng rẽ nhưng khi thi từ lớp 9 lên lớp 10 vẫn phải làm bài thi KHTN, trong đó tùy vào mục đích tuyển môn chuyên nào thì có thể đề thi sẽ tập trung chuyên sâu kiểm tra đánh giá năng lực của thí sinh về môn chuyên đó. "Không thể còn môn thi là lý, hóa, sinh vì THCS không có môn đó. Bộ sẽ có hướng dẫn để các địa phương áp dụng cho năm 2025", ông Thành nói.
1 GV chịu sự chỉ đạo của 5 cấp
Có cơ sở phản ánh GV và các nhà trường làm theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc linh hoạt trong xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giáo dục, nhưng phòng hoặc sở GD-ĐT xuống kiểm tra lại nói không được; hoặc tác giả SGK khi tập huấn lại hướng dẫn khác với văn bản của Bộ GD-ĐT thì phải nghe ai?…
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: 1 GV hiện nay chịu sự quản lý, chỉ đạo của 5 cấp (tổ chuyên môn, ban giám hiệu, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT) nên không thể "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" được mà phải thống nhất trong quản lý, chỉ đạo. GV và các nhà trường cần bám vào chương trình (vì chương trình là pháp lệnh) cũng như văn bản quy phạm pháp luật của ngành GD-ĐT. Nếu những chỉ đạo miệng không thống nhất với văn bản thì chỉ mang tính chất tham khảo.
"Gần 80.000 GV trực tiếp dạy các môn tích hợp, 5 chủ thể chỉ đạo 1 thầy cô thì phải thống nhất, không thể để xảy ra tình trạng thầy cô không biết nghe theo ai", ông Thưởng nhấn mạnh.